Mô tả
Thiên Vọng – Lâm Mi
… Sở dĩ gọi đó là kì thư, bởi đó quả là một tác phẩm văn học tự sự chưa từng có trong kho tàng văn học trong và ngoài Trung Quốc, hoặc có thể nói, vì nó là bộ sách số một trong kho tàng văn học Trung Hoa và thế giới, nên càng thêm quý hiếm…
Đọc văn bản tự sự Thiên Vọng này, cũng giống như đọc một bài thơ Tống, hoặc xem một bức tranh chữ thư pháp thời Tống – Nguyên – Minh vậy, không chỉ phải tắm gội, thắp hương, gột bỏ cái tâm tình nôn nóng suông, mà càng đòi hỏi phải huy động tri thức và những tích lũy văn hóa có liên quan trong và ngoài Trung Quốc tự cổ chí kim – có thể nói là sự tích lũy tri thức và văn hóa kiểu Bách khoa toàn thư, phải huy động sức cảm thụ đặc thù và sức khám phá sâu sắc đối với bản chất các vấn đề xã hội – lịch sử và văn hóa ẩn giấu dưới những hiện tượng xã hội phức tạp chồng chất.
Trong tác phẩm văn học tự sự này, mỗi một nhân vật đều tượng trưng cho một giai tầng xã hội, hoặc một quần thể xã hội, hoặc một hình thái ý thức; họ có bối cảnh xã hội hoàn toàn khác nhau, có tri thức khác nhau, có thước đo và tầm nhìn quan sát phân tích thế giới trên lĩnh vực của riêng từng người. Các vấn đề mà họ gặp phải đều phản ánh một mặt nào đó của các xã hội đương đại bệnh hoạn trầm kha, tình trạng sống của họ đúng là bức tranh tả thực sinh động cái trạng thái sinh tồn của những giai tầng, những quần thể mà họ đại diện. Trong số họ có mục sư, nông dân, công nhân, có thầy giáo, có nhà khoa học, có nghệ sĩ, có nhà tinh thần phân tích học, nhà Hán học, có luật sư, có thương gia buôn bán, có kẻ di dân vượt biển phi pháp, có bọn buôn người, có đồng tính luyến ái, có con nghiện ma túy, có kẻ lang bạt bụi đời, có ông chủ quán cơm và người làm thuê…Tất cả những nhân vật vừa có ý nghĩa trừu tượng lại vừa có cá tính máu thịt đầy đặn, vừa độc lập với nhau lại vừa liên quan với nhau đó đã hợp thành ống kính vạn hoa của xã hội này, đã bắn ra muôn ngàn màu sắc của thế giới ngày nay, đã cấu thành các trắc diện, các tầng bậc của xã hội đương đại.
Độc giả có thể sẽ lưu ý đến chữ “thiên” và chữ “vọng” trong văn bản tự sự Thiên Vọng, ý nghĩa tượng trưng của nó rất sâu sắc. Tác giả chẳng những nâng nhận thức về mình và nhận thức về người khác lên tầm ý nghĩa siêu hình mà còn nâng lên đến tầm cao của việc cứu vớt tinh thần, của mối quan hoài sau rốt là cõi đi về của linh hồn, và đã đi vào tầng bậc của “Đạo”.
Thiên Vọng là một tác phẩm kiểu sử thi có kết cấu đồ sộ, khí thế hào hùng, mặc dù tác giả chỉ miêu tả những nhân vật nhỏ bé của thế giới phàm tục chúng sinh. Thiên Vọng là một tác phẩm tự sự mang tính triết lí hiện đại, là tác phẩm văn học mang tính tìm tòi. Đồng thời, Thiên Vọng là một dạng văn bản mở, đa nghĩa, những người đọc khác nhau có thể đọc thấy ở đó những nội dung khác nhau, nhận được những khoái cảm thẩm mĩ văn học nghệ thuật ở mức độ khác nhau, có được những gợi ý triết lý và trí tuệ nhân sinh khác nhau.
TRÍCH DẪN ĐẶC SẮC
“… Những suy ngẫm độc đáo về văn hóa Trung Quốc và Phương Tây, sự từng trải sâu sắc, với bao tâm tuyết đã dâng hiến cho nền văn học Trung Quốc buổi bình minh thế kỷ XXI một bộ kỳ thư Thiên Vọng.
Thiên Vọng – một liên bản văn hóa Đông Tây, một văn bản liên ngành, một khúc ca tâm linh thiên nhân tương vọng, một bộ Đônkihôtê của thế kỷ XX.” – GS. Vi Ngao Vũ, trường Đại học Paris
“Thiên Vọng – bộ tiểu thuyết xuất sắc vẽ nên toàn cảnh thế giới, những cảnh huống rực rỡ và hủ bại, đẹp và xấu, mạnh và yếu, hư và thực, thật và giả trong cảnh ngộ sinh tồn của loài người…
Thiên Vọng – bằng tình yêu thuần khiết đã rút ngắn khoảng cách của các nền văn hóa khác nhau, hóa giải mọi xung đột nảy sinh trong giao lưu va đập của các nền văn hóa thành nét đẹp của sự hài hòa, một minh chứng lịch sử của châu Âu ở buổi chuyển giao thế kỷ…” – Charles Willemen, Viện sĩ viện Hàn lâm Hoàng gia Bỉ