Mô tả
Tế Công truyện diễn nghĩa có tên gọi đầy đủ là “Bình diễn Tế Công truyện tiền hậu toàn tập”, gọi tắt là Tế Công truyện là một tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc của nhà văn Quách Tiểu Đình đời Thanh thuật lại cuộc đời của một nhà sư điên khùng đời Nam Tống.
Đó là một nhân vật có thật, có cuộc sống khá đặc biệt: một vị hòa thượng không giữ trai giới, uống rượu, ăn mặn, thường la cà những nơi thị tứ, chẳng bận tâm tới hình hài: quần áo rách rưới, thân hình gầy nhom lại có những hành động phóng túng khiến các nhà sư tu cùng chùa không chịu nổi, đuổi đi, hoặc ít ra cũng e dè, canh chừng, mỗi khi ông trở lại chùa. Vì thế ông mới có tên là “Hòa thượng Điên”, hoặc “Điên tăng” – nhà sư điên rồ – lại nhân ông có pháp danh là “Đạo Tế”, họ gọi ông là “Tế Điên”. Ông thường rong chơi khắp xóm làng, bắt quỷ trừ yêu để cứu người, hoặc trị những chứng bệnh lạ cho dân chúng, trừng phạt những kẻ ác, cứu giúp người cô thế… Những hành động nghĩa hiệp, cứu khốn phò nguy như thế rất được dân chúng hoan nghênh, nên người thời đó thường gọi ông là “Phật sống”, hoặc “La Hán giáng thế”.
Bản truyện lấy cơ sở các truyền thuyết dân gian về một vị Phật sống để soạn thành một bộ tiểu thuyết “thần ma”, trong đó nhiều hành vi cứu người của ông mang tính cách “pháp thuật”, nghĩa là không giải thích nổi, đành phải dựa vào tinh tưởng của dân gian cho rằng đó là pháp thuật cao cường của một vị Phật sống, hay mộ vị ” Tây thiên kim thân hàng long La Hán”. Dù được gọi là “Tế công phật sống” hay “Tế Điên hòa thượng”, thì cách gọi nào cũng không suy giảm lòng quý trọng của dân chúng đối với vị hòa thượng có một không hai này trong lịch sử Thiền giáo Trung Quốc.
Các “cố sự” về Tế Công có rất nhiều, có thể nói là đã được gom lại đầy đủ trong bộ “toàn truyện” này.